Con 3 tuổi vẫn có những biểu hiện này thì cần đưa đi kiểm tra ngay

Nếu 3 tuổi mà vẫn có những biểu hiện dưới đây thì bố mẹ cần đưa con đi khám sức khỏe để có những biện pháp can thiệp kịp thời.
Là cha mẹ, không ít lần chúng ta tự đặt câu hỏi: “Liệu con có đang phát triển bình thường không? (“Mấy đứa sinh cùng đã nói sõi rồi mà sao con vẫn chưa?” hay “Lúc bằng tuổi con chị đã biết tự thay đồ mà nhỉ?”). Trong đa số các trường hợp, trẻ đạt mốc phát triển nhất định như biết tự đi vệ sinh, biết nói rõ ràng, biết đi xe đạp ở những khoảng thời gian tương đối giống nhau, hoặc nếu chậm hơn một chút thì bé cũng sẽ rất nhanh sẽ bắt kịp.
Ít giao tiếp cũng là một vấn đề đáng lo.
Giai đoạn từ khi sinh ra đến 3 tuổi, bé phát triển rất nhanh cả về thể chất lẫn tư duy. Tuy nhiên, nếu bé có những biểu hiện như dưới đây thì các mẹ nên xin ý kiến chuyên gia để có biện pháp can thiệp phù hợp vì có thể nó có thể là dấu hiệu bé đang chậm phát triển ở những lĩnh vực nhất định.
Ngôn ngữ và giao tiếp
Thông thường, bé ở tuổi này đã biết biết sử dụng những từ ngữ đơn giản một cách chính xác để mọi người xung quanh có thể hiểu được, đồng thời bé cũng hiểu những chỉ dẫn đơn giản của cha mẹ. Tuy nhiên, nếu bé nói không rõ ràng, không hiểu những cụm từ ngắn gọn cũng như không biết làm theo những hướng dẫn đơn giản thì cha mẹ nên cân nhắc đưa bé đi khám bác sĩ. Trong trường hợp không có gì bất thường, cha mẹ nên tăng cường môi trường giao tiếp cho trẻ, trò chuyện với bé thường xuyên, cho bé chơi với các bạn cùng lứa tuổi.
Vận động thể chất (tinh và thô)
Cha mẹ nên cảnh giác nếu bé không biết cầm thìa, cầm các đồ vật nhỏ, cầm và không biết vẽ vòng tròn bởi trẻ 3 tuổi đã có thể sử dụng linh hoạt kĩ năng vận động tinh (cầm, nắm các đồ vật). Tương tự, nếu bé hay ngã hoặc không biết bước lên bậc thang thì kĩ năng vận động thô của bé đang có vấn đề.
Thể hiện cảm xúc và quan hệ xã hội
Đây là khả năng ứng xử với những người xung quanh, bao gồm thể hiện và điều tiết cảm xúc. Sự can thiệp là cần thiết nếu bé có dấu hiệu hoàn toàn không hứng thú chơi với các bạn, không muốn chơi trò đóng vai, không thích nhìn thằng vào mắt người khác.
Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn với bé, hiểu nhu cầu của bé, dạy bé biết cách thể hiện nhu cầu của bản thân thay vì trách mắng. Nếu những biện pháp này không hiệu quả thì nên đưa bé đến gặp bác sĩ.

Khả năng nhận thức
Khả năng này giúp bé suy nghĩ về thế giới xung quanh, lí giải tình huống và giải quyết vấn đề. Bé biết tò mò, muốn khám phá thế giới với đôi mắt, đôi tai và bàn tay mình. Nếu bé đã 3 tuổi mà chưa biết đếm, chưa phân biệt được màu sắc hoặc vốn từ mới rất hạn hẹp thì có thể bé cần được giúp đỡ.
Nguyên nhân bé chậm phát triển
Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này ở bé. Nhân tố do gen (ví dụ hội chứng Down) có thể dẫn đến những hiểu hiện trên. Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể kể đến là sinh non, nhẹ cân, ngạt khí lúc sinh. Thêm vài đó, môi trường sống cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ ví dụ như bị nhiễm độc chì, mẹ bầu uống rượu hoặc nghiện thuốc, suy dinh dưỡng. Cuối cùng, những nguyên nhân sức khỏe như nhiễm trùng tai, sâu răng cũng có thể tác động xấu đến khả năng ngôn ngữ của bé.
Cha mẹ nên theo dõi sát sao sự phát triển của bé, nắm rõ các mốc phát triển thông thường để từ đó xác định xem bé có đang phát triển phù hợp không. Hãy liên hệ để nhận sự giúp đỡ của chuyên gia khi cần thiết vì rất nhiều trường hợp bé hoàn toàn có thể theo kịp các bạn nếu được quan tâm kịp thời. Để bé tiếp xúc với môi trường có nhiều bạn cùng tuổi để phát triển cả khả năng ngôn ngữ và vận động.


Theo PNO

Tin Liên Quan